Chia sẻ cách sử dụng vi sinh nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công
Sử dụng vi sinh nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công đúng không và cách sử dụng vi sinh nuôi tôm như thế nào là đúng cách đạt hiệu quả cao trong nuôi tôm.
Đây là một câu hỏi có hai phần đáng chú ý; sử dụng vi sinh nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công đúng hay sai ?, cách sử dụng vi sinh tạt vào nước, cho ăn hay làm sao cho hiệu quả, mời bà con xem trong bài viết.
Cách sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm thành công đúng hay sai
Câu trả lời
Sử dụng vi sinh nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công là đúng. Bởi vi sinh hay còn gọi chế phẩm sinh học là một công cụ, một vũ khí phòng và chống các vi khuẩn gây bệnh cho tôm.
Trong bất cứ mô hình chăn nuôi nào dịch bệnh là một nguyên nhân lớn dẫn đến sự thất bại và trong nuôi tôm cũng không ngoại lệ.
Nuôi tôm bà con cũng gặp rất nhiều dịch bệnh; vi khuẩn gây bệnh chiếm phần lớn làm cho tôm chết hàng loạt một cách nhanh chóng.
Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào tôm thông qua con đường ăn uống, khi tôm ăn thức ăn dính đầy vi khuẩn đi vào đường ruột, vi khuẩn bám trên thành ruột để sống và tăng trưởng gây hư hại đường ruột, xâm nhập gan tụy tôm làm tổn hại hệ gan tụy, mà khối gan tụy tôm là bộ máy quan trọng nhất cho hoạt động sống, tiêu hóa và tăng trưởng của tôm. Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xâm nhập tôm qua mang làm cho tôm bệnh chết nhanh chóng.
Với sự nguy hiểm này; các nhà khoa học đã nghiên cứu ra các men vi sinh, chế phẩm sinh học để ngăn ngừa phòng chống bệnh này bằng cách tạt vào ao xử lý nước sạch vi khuẩn, trộn vào thức ăn tăng cường sức khỏe đường ruột.
Những lưu ý sử dụng vi sinh đạt hiệu quả cao
Lựa chọn vi sinh chất lượng, nhãn hiệu rõ ràng, khi mua yêu cầu xem giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đẩm bảo trong sử dụng, bà con nên tìm hiểu nhiều thông tin về chế phẩm sinh học(men vi sinh) vì đây là sản phẩm bà con sẽ sử dụng nhiều xuyên suốt vụ nuôi tôm.
Tham khảo ý kiến người đi trước, có kinh nghiệm trong nuôi tôm, cách sử dụng vi sinh cho hiệu quả
Bà con tự mình trải nghiệm và đưa ra nhận định riêng cho bản thân, vì đây là bài học, là kinh nghiệm bà con bắt đầu tích lũy trong ngành nuôi tôm; đánh giá qua màu nước, đàn tôm khỏe mạnh, ít bệnh về vấn đề đường ruột.
Cách sử dụng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả
Trong nước nuôi tôm có 2 nhóm vi khuẩn đó là
Nhóm gây hại (tạm gọi tắt là H – harmful – gây hại)
Nhóm hữu ích (tạm gọi tắt là B – benefit – hữu ích) .
Vi khuẩn nhóm H có hại cho tôm và có tốc độ “sinh sản” cao, thậm chí là rất cao. Trong khi đó, vi khuẩn nhóm B có tốc độ phát triển lại rất chậm.
Ở cấp độ vi sinh vật, việc khử trùng ban đầu dẫn đến số lượng vi khuẩn trong nước thấp hơn. Sau trạng thái ban đầu, nhóm H bao giờ cũng phát triển rất nhanh để “thống trị” môi trường. Để ngăn chặn điều này, bà con cần phải:
a. Dọn ao thật kỹ chất hữu cơ (mùn bã) để loại bỏ nguồn thức ăn cho vi sinh vật gây hại và thường xuyên siphon kỹ ao nuôi cũng như quản lý thức ăn thật tốt trong suốt quá trình nuôi.
b. Sử dụng vi sinh ngay sau khi diệt khuẩn khoảng 48 – 72 giờ tùy loại hóa chất diệt khuẩn và liều lượng mà bà con xem theo hướng dẫn sử dụng.
c. Sử dụng vi sinh liều cao hơn trên nhãn (có thể gấp đôi) và liên tục 2 – 5 ngày liền trước khi thả giống.
d. Sử dụng hàng ngày trong ít nhất tháng nuôi đầu và 2 – 4 ngày/lần trong các tháng sau đó, việc này còn tùy thuộc vào kết quả kiểm khuẩn và chất lượng nước như thế nào.
e. Thay nước là tốt để duy trì chất lượng nước, nhưng nó cũng sẽ rửa trôi một phần vi khuẩn nhóm B, vì vậy luôn phải dùng chế phẩm sinh học ngay sau đó để đảm bảo khả năng vi khuẩn nhóm B chiếm lĩnh mọi ngóc ngách trong môi trường.
Đối với việc khống chế vi khuẩn gây hại trong đường ruột, bà con cần lưu ý trộn ngay các chế phẩm sinh học cho tôm ăn ngày từ cử ăn đầu tiên. Và định kỳ sau đó mỗi ngày trong tất cả các cử ăn, việc này chỉ tạm dừng khi bạn phải trộn những thức khác mà nó không thể trộn chung với chế phẩm sinh học, chẳng hạn như kháng sinh, mặc dù vậy, hàng ngày vẫn phải luôn có ít nhất một cử phối trộn với chế phẩm sinh học đường ruột.
Nguyên tắc là, nếu hết sức nghiêm túc, chú ý và tạo ra được môi trường giàu vi sinh vật hữu ích trong nước ao nuôi lẫn đường ruột tôm thì khả năng giảm thiểu rủi ro bệnh tật cho ao tôm của bà con sẽ rất cao.